Tiêm phòng vắc xin bắt buộc 10 bệnh cho trẻ em: Sẽ triển khai khi có hướng dẫn cụ thể

Vũ Trang| 16/01/2018 08:56

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 38/2017/TT-BYT về “Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, có hiệu lực từ 1/1/2018. Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang chờ có hướng dẫn cụ thể cũng như nguồn vắc xin để triển khai thực hiện.

ADQuảng cáo

Người dân xã Buôn Choáh (Krông Nô) đưa trẻ đến trạm y tế xã tiêm vắc xin

Theo Thông tư 38, bệnh truyền nhiễm và vắc xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: viêm gan virút B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella và bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B. Trong đó, có hai vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh là viêm gan virút B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Thông tư cũng quy định rõ về lịch tiêm chủng quy định cho mỗi loại vắc xin,  đối tượng tiêm.

Theo hướng dẫn tại thông tư này, nếu chưa tiêm đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó, nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tiêm chủng chiến dịch hoặc tiêm chủng bổ sung được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp cụ thể. Danh mục này cũng sẽ được cập nhật và bổ sung trong trường hợp cần thiết.

Tại tỉnh Đắk Nông, hiện nay, các cơ sở y tế đang triển khai tiêm vắc xin phòng 8 loại bệnh cho trẻ em và tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Riêng đối với bệnh bại liệt, mặc dù Bộ Y tế đã triển khai tiêm phòng, nhưng các cơ sở y tế trong tỉnh vẫn sử dụng vắc xin bằng đường uống vì chưa có loại vắc xin dạng tiêm.

ADQuảng cáo

Những năm gần đây, công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ em được tiêm đầy đủ các loại vắc xin từng bước được nâng lên. Theo thống kê, trong năm 2017, toàn tỉnh có 13.840 trẻ dưới 1 tuổi; trong đó có 12.155 trẻ được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 87,8%. Riêng tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ước đạt khoảng 83,4%. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiêm phòng uốn ván đạt 87,6%.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ tại một số xã vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn thấp. Bên cạnh đó, tình trạng người dân không muốn đưa con đi tiêm chủng vì lo ngại những phản ứng sau tiêm và sự an toàn của vắc xin, nghi ngờ sự cần thiết của tiêm chủng... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, việc tổ chức tiêm phòng bắt buộc vắc xin đối với 10 loại bệnh cho trẻ là biện pháp cần thiết để tỉnh tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm chủng hàng năm cũng như khắc phục được tình trạng “trốn” tiêm chủng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, danh mục các bệnh và vắc xin, sinh phẩm bắt buộc với trẻ em và người có nguy cơ mắc được điều chỉnh phù hợp với mô hình bệnh tật cũng như các yếu tố gây dịch ở nước ta. Các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh thuộc diện bắt buộc phải tiêm để duy trì miễn dịch cho cộng đồng. Việc tuân thủ quy định tiêm chủng rất quan trọng, bởi nếu vẫn còn những đối tượng không được tiêm chủng thì bệnh vẫn có thể tiếp tục lưu hành trong cộng đồng và có thể lây cho những đối tượng chưa có miễn dịch, nhất là những đối tượng chưa đủ tuổi để tiêm chủng.

Trung tâm cũng khẳng định, đối với việc tiêm chủng theo Thông tư 38, ngay sau khi nhận được hướng dẫn cụ thể và vắc xin, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện đúng theo tinh thần Bộ Y tế chỉ đạo. Việc xác định phạm vi và đối tượng sử dụng vắc xin thuộc danh mục quy định bắt buộc sẽ do Sở Y tế xem xét quyết định theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vắc xin, nguồn lực của địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm phòng vắc xin bắt buộc 10 bệnh cho trẻ em: Sẽ triển khai khi có hướng dẫn cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO