Trẻ em bị viêm tai giữa cấp cần được thăm khám sớm

Minh Nhạn| 21/11/2016 14:59

Viêm tai giữa cấp là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, được xếp vào nhóm bệnh đường hô hấp. Bệnh thường dẫn đến những biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất là do viêm mũi họng, viêm Amidan; các nhiễm trùng nặng như cúm, sởi; sau các chấn thương như khi trẻ nhỏ ngoáy tai gây thủng màng nhĩ. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như xì mũi không đúng cách, do dị ứng, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị dị tật bẩm sinh đặc biệt như hở hàm ếch.

Trẻ có dấu hiệu viêm tai giữa cần được khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng sớm

Triệu chứng của bệnh thể hiện ở 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu, triệu chứng chủ yếu là viêm mũi họng như có sốt, đau rát họng, chảy mũi, ngạt mũi, ho, có thể đau tai nhiều hoặc ít, ù tai. Nếu khám tai vào giai đoạn này thì thấy màng nhĩ sung huyết.

Giai đoạn toàn phát chia làm 2 thời kỳ: Thời kỳ chưa vỡ mủ, trẻ có thể sốt cao từ 39 – 40oC, thể trạng mệt mỏi, nhiễm trùng, trẻ nhỏ có thể co giật, có thể rối loạn tiêu hóa; thời kỳ này trẻ đau dữ dội trong tai, đau lan tỏa nửa đầu; nghe kém, có thể ù tai. Khi khám, sẽ thấy màng nhĩ dày hoặc đỏ lên, đôi lúc màng nhĩ phồng có thể có mủ trắng. Thời kỳ vỡ mủ, thường thì sẽ tự vỡ mủ, các triệu chứng giảm nhanh như hết sốt, đỡ đau tai, bớt ù tai, còn nghe kém. Khi khám sẽ thấy có mủ chảy ra và màng nhĩ đã thủng.

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Chử Thị Thúy - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh,  khi trẻ bị viêm tai ở giữa giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện, chỉ khi có mủ chảy ra ống tai ngoài mới phát hiện được. Phụ huynh nên dựa vào một số dấu hiệu như: Trẻ nóng sốt, quấy khóc, hay lắc đầu, có thể tiêu chảy hoặc nôn trớ thì nên đưa trẻ đi khám Tai - Mũi - Họng. Ở trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể phát hiện trẻ bị viêm tai giữa cấp ở giai đoạn đầu vì trẻ đã biết đau tai hoặc ù tai.

Khi trẻ có những dấu hiệu viêm tai giữa cấp như đã nêu, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng càng sớm càng tốt. Tùy vào giai đoạn bệnh do thầy thuốc chuyên khoa chẩn đoán sẽ có phương pháp điều trị tương thích.

Nếu được điều trị và theo dõi tốt, bệnh viêm tai giữa cấp có thể khỏi trong vòng 7 – 14 ngày. Nếu không được điều trị và theo dõi tốt có thể đưa đến biến chứng như: Viêm tai giữa mạn tính, viêm tai xương chủm cấp hoặc biến chứng nội sọ (viêm màng não, áp xe não, liệt mặt ...) nguy hiểm tính mạng; hoặc có thể để lại di chứng như điếc...

Đối với viêm tai giữa cấp giai đoạn đầu chủ yếu là điều trị viêm mũi họng. Phụ huynh cần theo dõi diễn tiến của bệnh, nếu sốt cao cần cho dùng thuốc hạ sốt kịp thời tránh cho trẻ bị giật, nhỏ rửa mũi để làm thông sạch mũi hàng ngày. Đối với viêm tai giữa cấp giai đoạn vỡ mủ thì ngoài việc thực hiện theo đơn thuốc, phụ huynh cần cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Tai – Mũi - Họng để được rửa tai dẫn lưu mủ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em bị viêm tai giữa cấp cần được thăm khám sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO