Trung tâm Y tế huyện Đắk Song: Nỗ lực phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Lam Sơn| 18/12/2019 09:04

Cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống hiệu quả một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Khống chế dịch sốt xuất huyết

Khác với thời kỳ cao điểm mùa mưa, những ngày này, tại khoa điều trị các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song không còn cảnh bệnh nhân đông đúc. Điều mà các y, bác sĩ nơi đây vui mừng nhất là số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh sốt xuất huyết  đã giảm hẳn. 

Bác sĩ Khoa Nội - Nhi - Nhiễm khám và tư vấn cách thức phòng tránh bệnh liên quan đến hô hấp cho người dân

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS thì có thời điểm, Bệnh viện phải điều trị vài chục trường hợp mắc sốt xuất huyết một lúc. Bệnh nhân đông mà số giường bệnh thì giới hạn. Vì vậy, ngoài việc tập trung điều trị  người bệnh, Khoa Kiểm soát bệnh tật đã tham mưu lãnh đạo đơn vị huy động nguồn lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân phòng tránh sốt xuất huyết.

“Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các địa phương vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, khai thông cống rãnh để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết mới phát sinh. Ngoài ra, đơn vị còn duy trì công tác giám sát véc tơ định kỳ hàng tháng, tăng cường xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ…, góp phần hạn chế thêm số ca mắc và tiến tới khống chế được bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn”, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn tâm sự.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, khi người dân hiểu rõ cách thức phòng tránh sốt xuất huyết thì đây là giải pháp quan trọng để khống chế bệnh lây lan ra cộng đồng. Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn được khống chế là kết quả của việc vừa điều trị, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch ở cộng đồng phát huy hiệu quả.

ADQuảng cáo

Người dân đến làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song

Hướng dẫn phòng tránh bệnh hô hấp, tiêu hóa

Đem con mới 14 tháng tuổi có triệu chứng ho, ói và sốt đến Khoa Nội - Nhi - Nhiễm, chị Trịnh Thị Thu Hà, xã Nam Bình mới biết, ngoài thay đổi thời tiết thì trong cách thức sinh hoạt, rồi cho con ăn uống, vệ sinh của bố mẹ cũng dễ xảy ra các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa. Qua hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song, nhiều bậc cha mẹ đem con đến khám và điều trị cũng đã nắm rõ hơn cách thức phòng tránh những bệnh về hô hấp, tiêu hóa ở trẻ nhỏ.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Chung, Trưởng Khoa Nội - Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song, thời điểm đầu mùa khô này bệnh nhi nhập viện khá đông. Các cháu nhỏ chủ yếu mắc bệnh về hô hấp trên và hô hấp dưới như: Viêm họng, viêm amiđan, viêm phổi và tiêu chảy. Những trường hợp này, người dân có thể phòng tránh được, nếu hiểu rõ cách thức chăm con.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Quang Chung, thực tế, nhiều người dân trên địa bàn vẫn chăm sóc con theo cảm tính và chưa nắm rõ cách thức phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm cho con trẻ. Do đó, ngoài điều trị thì chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân: Vệ sinh sạch sẽ cá nhân, giữ ấm và cho trẻ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ thì trẻ sẽ hạn chế được nhiều bệnh hô hấp, tiêu hóa.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 20 lần

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 4.263 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tại 70/71 xã, phường ở 8 huyện, thị xã. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng gấp 20 lần, số xã tăng 25 xã. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao là các huyện Cư Jút, Đắk Glong… Riêng tại huyện Đắk Song, trong cùng thời điểm này có hơn 350 ca mắc SXH.

Ông Tống Trường Ký, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Song cho biết: Đến cuối năm 2019, toàn huyện đã ghi nhận 16/43 bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng… Nhận thấy diễn biến bệnh truyền nhiễm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, đơn vị đã tăng cường hoạt động giám sát các ca mắc bệnh hàng ngày tại từng khoa, trạm y tế. Mặt khác, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu thành lập đội phòng, chống dịch lưu động; kịp thời xử lý các ổ dịch thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng; tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm và hạn chế bùng phát thêm các ổ dịch trên địa bàn”, ông Ký phân tích.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm Y tế huyện Đắk Song: Nỗ lực phòng, chống bệnh truyền nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO