Y tế Ðắk Nông nỗ lực vượt khó

Ngô Đồng| 01/01/2023 06:25

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

ADQuảng cáo

Khống chế dịch bệnh truyền nhiễm

Sau khi dịch Covid-19 tạm thời được khống chế, ngành Y tế Đắk Nông lại phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện với xu hướng tăng nhanh so với trước. Cụ thể, tính đến giữa tháng 12/2022, toàn tỉnh ghi nhận 4.838 ca mắc các bệnh truyền nhiễm, có 5 ca tử vong (chưa bao gồm ca mắc Covid-19), tăng 3.117 ca và 3 ca tử vong so với năm 2021. Đáng lo ngại nhất là số ca mắc sốt xuất huyết lên đến 3.218 ca, tăng gần 3.000 ca so với năm 2021.

Với việc tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp hơn so với các năm trước đã khiến ngành Y tế lại tiếp tục gặp nhiều áp lực không kém gì so với cao điểm chống dịch Covid-19. Số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các tuyến tăng, đặt ra nhiều áp lực cho các cơ sở y tế. Cụ thể, ở tuyến tỉnh, huyện có 569.061 lượt đến khám chữa bệnh, tăng 33.583 lượt so với cùng kỳ năm 2021; ở tuyến xã có 148.679 lượt. Trong đó, có 61.611 lượt điều trị nội trú, tăng 7.645 lượt so với cùng kỳ năm 2021.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được quan tâm chú trọng

Trước tình hình đó, cùng với tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt, ngành Y tế đã chủ động tăng cường các phương án, biện pháp, điều kiện khám chữa bệnh, dập dịch cần thiết. Từ đó, góp phần ngăn chặn và khống chế kịp thời dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Đi đôi với đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tổ chức tiêm vắc xin vẫn được chú trọng, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường mới của người dân, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay,  Đắk Nông được phân bổ 1.759.200 liều vắc xin phòng Covid-19 thì đã tổ chức tiêm 1.748.210 liều cho các đối tượng.

Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu

Nhiều thách thức

Theo ngành Y tế, hiện nay một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại như uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản... Các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… ngày càng gia tăng, kết hợp với già hóa dân số, biến đổi khí hậu làm tăng gánh nặng bệnh tật.

ADQuảng cáo

Trong khi đó, việc kiểm soát các yếu tố hành vi nguy cơ đến sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm chưa cao. Nhận thức và ý thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường, quản lý chất thải, phòng chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn thương tích còn hạn chế. Công tác khám, chữa bệnh có bước tiến bộ nhưng vẫn còn một số hạn chế, nhất là ở tuyến cơ sở do trang thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện tại còn thiếu thốn. Nhân lực y tế còn thiếu, mất cân đối về cơ cấu và phân bổ, chất lượng còn hạn chế.

Đặc biệt, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc...  Điều này, dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục diễn ra từ khu vực công lập ra khu vực ngoài công lập. Đây cũng là một nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân, nhất là khám, chữa bệnh.

Nỗ lực bao phủ vắc xin tại các vùng lõm

Nỗ lực hơn nữa

Theo lãnh đạo ngành Y tế, chuyện khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt của lĩnh vực y tế luôn là chuyện “nhiều kỳ, dài tập”, không thể khắc phục ngay trong một sớm một chiều. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả đó là toàn ngành tiếp tục khắc phục, nỗ lực hơn nữa trong điều kiện có thể, ngày càng đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2023, toàn ngành tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, phát hiện sớm, kịp thời ca bệnh đầu tiên, để triển khai điều tra, khoanh vùng xử lý, nhất là bệnh sốt xuất huyết. Ngành Y tế Đắk Nông tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh, nhất là về chuyên môn, kỹ thuật trong khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Cùng với tiếp tục đầu tư nguồn lực cho y tế cơ sở bằng việc xây dựng, sửa chữa cơ sở, vật chất, mua sắm trang thiết bị, ngành tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ sở y tế tuyến trên để tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực y tế.

Công tác tuyển dụng, đào tạo, phát triển nhân lực y tế bảo đảm về số lượng và chất lượng, chuẩn hóa về trình độ từ cao đẳng trở lên theo quy định và đào tạo theo êkip, nhu cầu vị trí việc làm sẽ được chú trọng hơn.

Năm 2022, ngành Y tế Đắk Nông thực hiện đạt 5/6 chỉ tiêu: mức sinh (số con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) 2,50/2,50; số giường bệnh/vạn dân (không tính trạm y tế xã) 19,8/19,8; số bác sĩ/vạn dân 8,5/8,3; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 92/92; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi 29,9/29,9. Riêng chỉ tiêu về tiêm chủng mở rộng cho trẻ em còn thấp 91,4/95, không đạt kế hoạch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y tế Ðắk Nông nỗ lực vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO