Ðắk Nông "báo động đỏ" khi ghi nhận hơn 2.300 ca sốt xuất huyết

Ngô Đồng| 10/11/2022 08:12

Hiện nay, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) đang tiếp tục gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ở Đắk Nông hiện đã bước vào mùa khô nhưng SXH vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp quyết liệt.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, Đắk Nông ghi nhận hơn 2.300 ca mắc SXH Dengue tại 71/71 xã/phường, thị trấn. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng gấp 9,6 lần; trong đó, số ca mắc từ tuần 22 đến tuần 43 vượt ngưỡng cảnh báo. Có 4 địa phương có số ca mắc cao và chiếm hơn 77% số ca mắc toàn tỉnh là: Đắk Mil, Cư Jút, TP. Gia Nghĩa và Đắk Song.

Tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông, từ đầu năm đến nay tiếp nhận, điều trị cho hơn 660 ca mắc SXH. Có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt cao, có những ca bệnh nặng, tiên lượng tử vong. Với mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị, ngoài tuân thủ phác đồ của Bộ Y tế, Bệnh viện thực hiện thu dung, điều trị theo chuyên khoa, thường xuyên hội chẩn trực tuyến với đội ngũ bác sĩ giỏi tuyến trên… Nhờ đó, các ca bệnh nặng đã được cứu khỏi, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị

Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông nhấn mạnh: "SXH ở trẻ vô cùng nguy hiểm nếu không được xử trí nhanh. Khi nghi trẻ bị SXH, các bậc cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm, theo dõi và có hướng điều trị kịp thời tránh tình trạng để cho trẻ sốt quá cao, giảm sâu tiểu cầu… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tới tính mạng".

ADQuảng cáo

Cùng với đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng dịch, Sở Y tế Đắk Nông phối hợp với các bệnh viện tuyến trên tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức điều trị SXH cho các đối tượng là bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở y tế công lập, tư nhân, phòng khám nhi… trên địa bàn tỉnh.

Bà Vũ Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) cho biết: Để phòng, chống SXH, địa phương đã phối hợp với ngành y tế cơ sở tập trung công tác giám sát và xử lý các ổ dịch. Đồng thời tuyên truyền Nhân dân trên địa bàn xã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy và thực hiện các giải pháp phòng muỗi đốt.

Đến nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

"Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng. Người dân không nên chủ quan với SXH. Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khỏe", bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông khuyến cáo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông "báo động đỏ" khi ghi nhận hơn 2.300 ca sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO