Cần chủ động phòng, chống vì mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu

Ngô Đồng thực hiện| 24/06/2020 17:33

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Nông đang có 12 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong và nhiều trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, khiến nhiều người dân vô cùng lo ngại về căn bệnh dễ lây lan này. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Văn Hùng chỉ đạo trực tiếp tại ổ bệnh ở thôn 6, xã Quảng Hòa (Đắk Glong)

PV: Thưa ông, tình hình bệnh bạch hầu cho đến thời điểm hiện tại trên địa bàn diễn biến như thế nào?

Ông Hà Văn Hùng: Ngày 8/6, bệnh nhân tiên đầu tiên được phát hiện tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May mắn ở xã Đắk Sôr (Krông Nô) và tính đến thời điểm này đã có 12 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu và phát sinh thêm 3 ổ dịch mới tại 2 xã Quảng Hòa, Đắk R’Măng (Đắk Glong). Các bệnh nhân bạch hầu hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.

Hiện tại, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện lập tức tiến hành điều tra tại khu vực phát hiện dịch để xác định các ca bệnh, đồng thời nhanh chóng tiến hành cách ly, khử trùng và cấp dự phòng thuốc kháng sinh cho hơn 1.000 người ở khu vực xung quanh. Chính quyền địa phương cùng với ngành Y tế sẵn sàng cung ứng kinh phí, vật tư, hóa chất, thuốc cho việc điều trị, dự phòng bệnh bạch hầu. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cũng đã nhanh chóng thành lập khu cách ly dành riêng cho bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu.

Đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã trực tiếp vào chỉ đạo tại địa bàn, cùng với y tế địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh.

PV: Xin ông hãy cho biết những con đường lây lan của bạch hầu và nguyên nhân bệnh bùng phát bệnh bạch hầu tại một số địa bàn trên tỉnh Đắk Nông hiện nay?

Ông Hà Văn Hùng: Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium Diphtheriae gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Bệnh lây theo đường hô hấp và có thể gây dịch nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ mắc cao ở trẻ em từ 1 đến 7 tuổi. Hiện nay, bệnh bạch hầu vẫn còn tồn tại trong cộng đồng chứ chưa được loại trừ hoàn toàn.

Mặc dù, tại Đắk Nông trong những năm qua tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn luôn đạt chỉ tiêu từ 90 - 95%, nên nhiều bệnh truyền nhiễm được khống chế, song tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân di cư tự do và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp hơn 90% nên một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại, trong đó có bạch hầu.

Đồng thời, khi miễn dịch cộng đồng bị giảm sút do không tiêm chủng đầy đủ, cộng thêm môi trường ẩm thấp, không vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ càng tạo điều kiện cho vi khuẩn bạch hầu cũng như các vi khuẩn khác phát triển, dễ tấn công gây bệnh cho con người, nhất là trẻ em có hệ miễn dịch kém.

PV: Để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh, hiện nay ngành Y tế Đắk Nông đã và đang triển khai các biện pháp gì?

ADQuảng cáo

Ông Hà Văn Hùng: Ngày 9/6/2020, Sở Y tế Đắk Nông đã ban hành Công văn số 1272/SYT-NVYD về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu…

Theo đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo các phòng, ban và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng; lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, chú ý tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, các trường học trên địa bàn tổ chức tốt việc theo dõi sức khỏe học sinh, phối hợp phát hiện sớm học sinh mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác vệ sinh môi trường. Hệ thống y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp viêm họng giả mạc nghi ngờ bệnh bạch hầu, giám sát dịch tễ tại cộng đồng, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị, hóa chất, bố trí giường bệnh, chuẩn bị nhân lực thực hiện thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Ngay sau khi có chẩn đoán trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu, lãnh đạo Sở Y tế trực tiếp đến vùng bệnh, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh; đồng thời chỉ đạo cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị cho hơn 1.000 người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh và 10.000 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi tại khu vực ổ dịch, cũng như tiến hành khử khuẩn đợt 2 tất cả các hộ gia đình, các trường học, trạm y tế, cắm biển báo cách ly, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đi vào vùng bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện đã cắt cử 19 cán bộ y tế đến hỗ trợ cho 2 huyện Krông Nô và Đắk Glong; đồng thời, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh để chủ động phòng lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.

PV: Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến có phần phức tạp, ngành Y tế có những khuyến cáo gì với người dân?

Ông Hà Văn Hùng: Về giải pháp ứng phó với bệnh bạch hầu trong thời gian tới, Sở Y tế Đắk Nông sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch khẩn cấp để phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức tập huấn ngay cho các bác sĩ điều trị và cán bộ y tế dự phòng trên địa bàn toàn tỉnh về công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu; điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng tại các địa bàn hiện đang có các ca bệnh để xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên đến 45 tuổi.

Trước tình hình bệnh bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; ăn uống đủ dinh dưỡng và tăng cường tập luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chủ động phòng, chống vì mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO