Cẩn thận, chú ý phòng, chống bệnh khi giao mùa

Ngô Đồng| 17/12/2019 08:58

Thời tiết giao mùa chuyển từ mùa thu sang đông - xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, cúm, viêm màng não do não mô cầu, sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu… nhất là trẻ em. Vì vậy, các gia đình có con nhỏ cũng như người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho con cái và bản thân.

ADQuảng cáo

Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh như tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Ảnh: Ngô Đồng

Tại Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong), những ngày thời tiết chuyển mùa cuối tháng 11, đầu tháng 12/2019 luôn đông bệnh nhân là trẻ em đến khám, điều trị. Bé K’Vinh, 4 tuổi ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) bị viêm phổi do nhiễm lạnh được điều trị tích cực gần 1 tuần mới ổn định.

Chị H’Thanh (mẹ bé K’Vinh) cho biết: Thời tiết thay đổi đột ngột, đang nóng chuyển lạnh, trong khi con thuộc nhóm trẻ suy dinh dưỡng nên sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh, sốt cao, không ăn uống được. Gia đình cho nhập viện điều trị sức khỏe cháu mới dần ổn định.

Bác sĩ Hoàng Thị Thiên Lý, Phó Trưởng Khoa Nội - Nhi - Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong) cho biết: Do thời tiết thay đổi, mỗi ngày khoa đón khá đông bệnh nhân là trẻ em đến khám và điều trị bệnh, đa phần là các bệnh về hô hấp, viêm phổi, sốt phát ban… Bên cạnh đó, một số trường hợp do chủ quan, trẻ được gia đình tự điều trị tại nhà, dùng thuốc không đúng chủng loại bệnh nên bệnh không khỏi, gây mệt mỏi cho trẻ, dễ xảy ra diễn chứng nặng mới đưa đến nhập viện.

ADQuảng cáo

Cũng theo bác sĩ Lý khuyến cáo, nếu trẻ mắc các bệnh đường hô hấp trên, chỉ ho, sốt, cảm cúm thông thường, cha mẹ không cần quá lo lắng, không nên tự ý dùng kháng sinh, nên cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo đơn. Tuy nhiên, nếu trẻ kèm theo biểu hiện thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời....

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh cùng với sự thay đổi bất thường của yếu tố thời tiết, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy, thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động để chủ động, kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe của người dân. Đồng thời, công tác tiêm chủng các vắc xin có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà… cũng được đẩy mạnh. Ngành cũng tổ chức rà soát, tiêm bổ sung cho các trường hợp chưa được tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, để chủ động phòng, chống dịch bệnh khi giao mùa, người dân cần phải giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Người dân cũng cần tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

Điều quan trọng nhất, cùng với tăng cường ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, uống nước ấm, tránh những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh, mỗi người dân tự phòng bệnh bằng cách luôn bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận, chú ý phòng, chống bệnh khi giao mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO