Chống dịch bạch hầu ở nơi “nhiều không” (kỳ 2): Quyết tâm dập dịch

Phóng sự của Ngô Đồng| 23/07/2020 15:39

Mặc dù chồng chất những khó khăn, vất vả, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp, đội ngũ cán bộ y tế huyện Đắk Glong luôn nỗ lực hết mình, với quyết tâm dập dịch, không để lây lan ra cộng đồng.

ADQuảng cáo

Cùng ăn, cùng ở với bà con

Đoàn công tác chúng tôi có mặt tại cụm dân cư 12, xã Đắk R'Măng (Đắk Glong) đúng 14 giờ 15 phút chiều sau gần 3 giờ đồng hồ lặn lội trèo đèo vượt suối. Đón chúng tôi là những ánh mắt e dè của những em nhỏ khi thấy nhiều người lạ, nhưng lại là nụ cười hiền hòa của những cụ già trong xóm với lời chào: “Các bác sĩ đã vào rồi đấy à? Bác sĩ đi đường có gặp mưa không? Hôm nay, đường có trơn trượt lắm không bác sĩ?...”.

Chở vắc xin xuyên rừng đến với bà con trong cụm 12

Thấy anh em phóng viên có vẻ ngạc nhiên, y sĩ Hà Xuân Chí liền giải thích: “Không dễ gì bà con mở lòng với mình như thế đâu anh chị ạ, hơn 10 ngày qua kể từ khi có ca bạch hầu đầu tiên, anh em chúng tôi đã có mặt cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch với bà con trong cụm. Sớm sớm, chiều chiều, chúng tôi vác bình đi phun tiêu độc khử trùng, vòng quanh khắp xóm nhắc bà con uống thuốc điều trị dự phòng đúng liệu trình nên thành ra giờ ai cũng biết, cũng hỏi”.

Họp bàn kế hoạch "tác chiến" ngay khi vào cụm

Sau 15 phút nghỉ ngơi, đoàn công tác nhanh chóng tiến hành họp bàn giao nhiệm vụ theo kế hoạch đã được xây dựng trước đó. Cụm 12 hiện có 71 nhân khẩu song lại chia làm 2 khu vực sinh sống cách nhau khoảng 5-7 km nên đoàn công tác phải chia làm 4 tổ.

Tổ 1 và tổ 2, mỗi tổ gồm 7 người với 6 y bác sĩ và 1 chiến sĩ công an xã thực hiện các nhiệm vụ thông báo, tập trung bà con đến tại khu vực tiêm vắc xin Td và đưa vắc xin đến tiêm tận nhà với những hộ cách khu vực trung tâm cụm 7 km.

Tổ 3 là tổ hậu cần gồm 4 người có nhiệm vụ lo bữa cơm, giấc ngủ cho toàn đoàn và thật may mắn khi có 1 hộ gia đình trong cụm cho đoàn tá túc, sinh hoạt ngay tại nhà.

Còn lại 2 anh em phóng viên chúng tôi, mấy bác sĩ gọi vui là “tổ truyền thông” nhưng dặn dò: “Hiện tại đây vẫn được xem là ổ dịch nên các nhà báo khi tác nghiệp nhớ đeo khẩu trang và bảo đảm khoảng cách an toàn”.

Phụ giúp người dân trong xóm

Chuẩn bị tư trang, thiết bị y tế, vắc xin đầy đủ, các tổ nhanh chóng tản ra thực hiện nhiệm vụ, tranh thủ khi bà con đi nương rẫy về để tiêm liền cho kịp với thời gian, chạy đua với thời tiết mưa gió thất thường, với giấc ngủ sớm của bà con trong cụm sau ngày dài lao động vất vả.

Chống dịch xuyên đêm

Chiều dần buông xuống xóm Mông nghèo, mặt trời tắt nắng, thay vào đó là cơn mưa rào bất chợt làm bầu không khí càng trở nên buồn và ẩm thấp nhưng những ánh đèn của các bác sĩ thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng vẫn sáng.

Phun tiêu độc khử trùng trong đêm tối

Vừa dò danh sách, vừa khám sàng lọc, bác sĩ K’Wa, Trưởng Khoa Nội -Nhi- Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong) cho biết: "Tính đến thời điểm này, cụm 12 đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu và đáng tiếc 1 trường hợp đã tử vong, đồng nghĩa với việc ngành Y tế đang khẩn trương vào cuộc để khoanh vùng điều tra, truy vết bạch hầu toàn cụm không kể ngày đêm".

Trước bữa cơm tối muộn 30 phút, tổ thứ 2 mới về, nhìn các anh người lấm lem bùn lầy, hỏi có mệt lắm không nhưng ai cũng cười tươi rói: "Mệt gì nhà báo ơi, mệt sao bằng 11-12 giờ khuya vẫn phải gõ cửa từng nhà phát thuốc yêu cầu bà con uống thuốc dự phòng ngay khi vừa có ca bệnh".

Thắp đèn xuyên đêm để tiêm vắc xin cho bà con trong cụm

ADQuảng cáo

20 giờ tối, quá muộn để bắt đầu bữa cơm thứ 3 trong ngày, song không ai một tiếng phàn nàn, kêu than, mà còn sẵn sàng phụ tổ hậu cần dọn cơm, dọn chén, vui vẻ ăn cơm và kể chuyện thực hiện nhiệm vụ trong ngày.

Y sĩ Phạm Văn Duy kể: "Bạch hầu đang hoành hành, đi miết cũng thành quen, cứ phát lệnh lúc nào là lên đường lúc đấy, sáng đang ở Đắk R’Măng nhưng chiều đến có khi lại ở Quảng Hòa rồi. Nhớ hôm cháu G.A.P mất, một tổ công tác trong đó có tôi được phân công vô xử lý trước môi trường tại khu vực nhà và nơi cháu yên nghỉ. Chúng tôi đi ngay trong đêm không dám chần chừ, không những vì sự an toàn của bà con mà còn phải chạy đua với thời gian để chiến đấu với bạch hầu. Trên đường rừng trơn trượt, hiểm nguy, đến tận 12 giờ đêm, chúng tôi mới vào tới nơi, xử lý môi trường an toàn xong thì đoàn người gánh bộ đưa cháu P cũng vừa về tới".

Phụ nhau cùng nấu cơm tối

Chung sức vào cuộc

Tính đến thời điểm ngày 23/7, số ca bệnh bạch hầu trên điạ bàn tỉnh đã lên tới 34 ca và đã ghi nhận một vài ổ dịch mới ở các địa phương khác  nhưng ở cụm 12 vẫn giữ con số 3 ca bệnh. Có thể nói, đó là sự cố gắng, hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền địa phương và sự đồng thuận chấp hành của người dân trong cụm.

Điều dưỡng Ngân Văn Toàn, nhân viên Trạm Y tế xã Đắk R’Măng chia sẻ: "Có mặt ngay ngày đầu khi xuất hiện ca bệnh, đầu tiên bà con còn thờ ơ với bệnh tật, cứ nghĩ đây chỉ là bệnh thông thường. Mặc kệ, chúng tôi  vẫn xuống giúp bà con khoanh vùng dập dịch, động viên tuyên truyền. Song, có lẽ trong một đêm xuất hiện 3 ca bệnh, cộng thêm tình trạng lúc đó của cháu G.A.P diễn biến ngày một nặng đã như một lời cảnh tỉnh, nên bà con dần mở lòng, hợp tác với chúng tôi hơn".

Quây quần bên mâm cơm tối muộn

Điều dưỡng Toàn còn kể thêm: “Hơn 10 ngày cắm chốt tại cụm, ngày 2 buổi sáng chiều thấy anh em y tế vác từng thùng thuốc đi phun tiêu độc khắp xóm, bà con đều chủ động dọn dẹp nhà cửa, đậy kín đồ ăn rồi vẫy chúng tôi vào phun cho kịp giờ. Cảm động hơn nữa khi bà con cảm thông được sự vất vả của chúng tôi nên hôm biếu mớ củi, bữa gùi măng hay bao lá bép rừng. Có gì cho nấy, bà con mang đến kêu là phụ thêm cho bác sĩ. Thật sự lúc này chúng tôi cảm thấy ấm lòng lắm, bao nhiêu vất vả mệt mỏi đều tan biến”.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương. Anh Hà Thanh Tùng, Trưởng Công an xã Đắk R’Măng-thành viên trong đoàn công tác cho biết: "Cụm 12 tách biệt hẳn với bên ngoài, đời sống người dân còn vất vả, dân trí còn thấp, nên ít nhiều gây khó khăn cho ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, với phương châm “đồng hành cũng ngành Y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chúng tôi luôn cố gắng tuyên truyền đến bà con những điều dễ nghe, dễ hiểu nhất để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả cao, sớm ổn định lại cuộc sống".

Cùng nhau phối hợp tuyên truyền

Khoanh vùng, dập dịch thành công

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, trước sự đoàn kết cố gắng, quyết tâm của đội ngũ y tế và các đơn vị phối hợp, hiện ổ dịch bạch hầu ở cụm 12, xã Đắk R’Măng đã xử lý, khoanh vùng, dập dịch thành công khi 31 ngày không có ca nhiễm mới.

Ngay sau khi điều trị dự phòng kháng sinh 7 ngày cho các đối tượng tiếp xúc gần và tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cho người dân từ 7 đến 40 tuổi thì đơn vị tiếp tục nhận được tin vui khi Chính phủ, Bộ Y tế quyết định tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông.

Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ người dân cụm 12 sẽ được tiêm phòng miễn phí. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng tại cụm 12 đã đạt 85,4%, với 264 liều vắc xin so với 307 người trong cụm. Những trường hợp chưa tiêm được do đã đi làm ăn xa nhiều tháng nay chưa quay về cụm.

Bà con chủ động đến tiêm phòng vắc xin phòng bạch hầu

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong Huỳnh Thanh Huynh khẳng định: Mặc dù ổ dịch bạch hầu tại cụm 12 đã được dập tắt, song không thể lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và các cơ quan cấp trên, ngành Y tế huyện đang mở rộng tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn xã Đắk R’Măng và hướng tới tiêm phòng toàn huyện với quyết tâm cố gắng bảo vệ thành quả dập các ổ dịch thành công.

Đồng thời, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cũng như nâng cao nhận thức về tiêm chủng mở rộng để hệ miễn dịch cộng đồng được nâng cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch bạch hầu ở nơi “nhiều không” (kỳ 2): Quyết tâm dập dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO