Giảm muối, ăn nhạt để phòng chống bệnh tật

Ngô Đồng| 11/01/2021 09:26

Muối là gia vị không thể thiếu trong chế biến các món ăn hàng ngày nhưng nếu ăn quá nhiều, không biết cách chế biến đúng hoặc không ăn uống một cách khoa học sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến các nguy cơ bị tăng huyết áp, gây các biến chứng nặng nề khác.

ADQuảng cáo

Ăn mặn gấp 2 lần so với khuyến cáo

Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong những năm gần đây, mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người trưởng thành ở Việt Nam đều gấp 2 lần so với ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây cũng chính là nguyên do của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy tim, tai biến mạch máu não…

Người cao tuổi thường mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch mà căn nguyên thường do chế độ ăn mặn lâu ngày...

Không những thế, ăn thừa muối còn là nguyên nhân dẫn đến béo phì, suy giảm nhận thức, làm bệnh hen phế quản nặng thêm…

WHO tại Việt Nam cho biết: Năm 2016 có khoảng 548.800 ca tử vong do mọi nguyên nhân thì trong đó tử vong do bệnh tim mạch là 172.300 ca, chiếm tỷ lệ tới 31%. Trong đại dịch Covid-19, những trường hợp tử vong do Covid-19 đa phần đều có bệnh lý nền như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.

Chính vì vậy, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm là chương trình y tế ưu tiên của các quốc gia, trong đó kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh là quan trọng nhất và một trong những nguy cơ đó là do ăn thừa muối.

Tăng cường truyền thông giảm tiêu thụ muối

Trước thực trạng trên, mới đây Sở Y tế tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, WHO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo vận động truyền thông giảm tiêu thụ muối để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm trong đại dịch Covid-19.

Hội thảo đã thông tin về mức tiêu thụ muối của người Việt Nam trung bình là 9,4 gam/người/ngày. Trong khi đó, WHO khuyến cáo nên tiêu thụ muối xuống dưới 5 gam sẽ cứu sống 2,5 triệu người mỗi năm trên toàn cầu. Do đó, ở Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp; cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do bệnh tim mạch, vô tình tạo nên gánh nặng, áp lực chung cho ngành Y tế trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

ADQuảng cáo

Tiến sĩ Ngô Thị Hải Vân, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc chủ động phòng bệnh là rất cần thiết. Trong đó, chú trọng bảo đảm chế độ dinh dưỡng, ăn nhạt giảm lượng muối là việc nên làm. Người bình thường giảm ăn muối không làm cho cơ thể bị thiếu muối, nên chỉ cần ăn thực phẩm tự nhiên hằng ngày cũng đã cung cấp đầy đủ lượng natri cần thiết cho cơ thể vì thực phẩm tự nhiên có muối".

Tiến sĩ Ngô Thị Hải Vân cũng thông tin, cơ thể bị thiếu muối chỉ xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt như với người bị tiêu chảy nặng kéo dài, người lao động nặng nhọc trong điều kiện nắng nóng kéo dài nhiều giờ, vận động viên luyện tập cường độ rất cao trong thời gian dài...

Tuy nhiên, hiện nay sự hiểu biết của người dân về tác hại do ăn thừa muối còn hạn chế. Vì vậy, việc cấp thiết nhất hiện nay là tuyên truyền, vận động và thông tin đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về thay đổi hành vi trong sử dụng muối hàng ngày theo hướng giảm dần để phòng, chống bệnh tật, hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân.

Hội thảo vận động truyền thông giảm tiêu thụ muối để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm trong đại dịch Covid-19 tại Đắk Nông. Ảnh: Đặng Hiền

Giảm muối nhằm hạn chế bệnh không lây

Với thông điệp “Cho bớt muối – chấm nhẹ tay – giảm ngay đồ ăn mặn” để phòng bệnh, WHO hướng dẫn mọi người giảm ăn muối nhằm hạn chế đến mức có thể những bệnh không lây do ảnh hưởng bởi tác hại của việc ăn mặn.

Các bác sĩ khuyến cáo, người nội trợ khi chế biến thức ăn cho gia đình cần hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm. Người dân cần tăng cường các món luộc, hấp thay cho các món kho mặn; hạn chế chấm và bỏ thói quen chấm ngập thức ăn vào nước chấm khi ăn, hãy pha loãng nước chấm khi ăn; không ăn trái cây chấm với muối; không nên rưới nước mắm, nước kho cá, kho thịt vào cơm và hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, các loại thức ăn nhanh có chứa nhiều muối.

Người nội trợ cũng cần tăng cường các thực phẩm có chứa các chất chống oxy hóa, chất xơ như rau, củ, quả, đậu, đỗ trong các bữa ăn hàng ngày và ăn các thực phẩm có tính chất an thần, lợi tiểu nhẹ … như rau cải, cà chua, bầu bí, mía, cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen…

Các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp tuyên truyền, vận động, xây dựng điều kiện, môi trường hỗ trợ giảm ăn muối của người dân như giảm ăn muối trong các bếp ăn trường học; giảm muối tại cộng đồng thông qua tập huấn, hội thảo, truyền thông, tư vấn người bệnh tăng huyết áp và giảm ăn muối tại nhà hàng, quán ăn…

Các cơ sở y tế phối hợp giảm muối với quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, bảo đảm tất cả bệnh nhân đều được tư vấn về ăn giảm muối, được cung cấp thông tin về giảm muối khi sàng lọc tăng huyết áp và đánh giá nguy cơ tiểu đường tại cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm muối, ăn nhạt để phòng chống bệnh tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO