Hiểu đúng về bệnh lao để chủ động phòng, chống

Ngô Đồng| 29/03/2021 10:12

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

ADQuảng cáo

Cơ chế lây ở bệnh lao rất nguy hiểm

Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm 80-85% tổng số ca bệnh và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 174 ngàn người mắc lao mới và 11 ngàn người tử vong do bệnh lao ở Việt Nam năm 2018.

Người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính thường có nguy cơ mắc lao cao hơn các đối tượng khác

Người mắc bệnh lao không tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện khi đã muộn, nên từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì có thể đã lây sang rất nhiều người khác. Cơ chế lây ở bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét. Vi khuẩn lao lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Khi sức khỏe cơ thể sa sút và có các biểu hiện ho kéo dài trên 2 tuần ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Ngoài ra, cơ thể còn có thể sút cân, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở thì cần nghĩ ngay đến bệnh lao bởi đây là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất.

Đối với những người có nguy cơ cao như người nhiễm HIV; người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em; người mắc các bệnh mạn tính: loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn; người nghiện các chất kích thích như ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào; người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hóa chất điều trị ung thư… cũng cần chú ý theo dõi sức khỏe đề phòng mắc lao.

ADQuảng cáo

Biến hiểm họa thành cơ hội chấm dứt bệnh lao

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 203 ca bệnh lao các thể được phát hiện và thu nhận điều trị. Trong đó, bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học là 130 ca; lao phổi AFB (-) 32 ca; tái phát thất bại 4 ca; lao ngoài phổi 36 ca.

Hoạt động quản lý và điều trị cho người bệnh lao luôn được duy trì và bảo đảm. Bệnh nhân lao được theo dõi, giám sát trong suốt liệu trình điều trị. Thời gian điều trị, công thức điều trị, liều lượng thuốc được bảo đảm đúng, đủ. Công tác tư vấn cho bệnh nhân đi xét nghiệm, đánh giá hiệu quả điều trị được thực hiện tốt, kịp thời theo diễn biến của bệnh.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa nhấn mạnh, bệnh lao là bệnh phải điều trị dài ngày với phác đồ ngắn nhất là 6 tháng, dài nhất là 20 tháng nên đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân lao, rào cản lớn nhất là tâm lý của bệnh nhân hay buông xuôi, bất cần, nhất là thời gian ở viện lâu, xa nhà dài ngày. Vì vậy, bác sĩ phải khéo léo giải thích, động viên, giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, duy trì phác đồ điều trị hiệu quả.

Hiện nay, cả nước đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Nhưng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cũng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh lao, biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 bằng việc tuân thủ yêu cầu 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế).

Bên cạnh phương pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin HCG phòng lao cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi, mỗi người, mỗi gia đình cần xây dựng thói quen sống lành mạnh như có chế độ ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, thường xuyên rèn luyện thể chất, không hút thuốc lá, hạn chế uống bia, rượu…
Cùng với cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc và làm trong sạch môi trường sống để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, người dân chú ý đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và khi vào bệnh viện, những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh lao.

Đối với những người đang bị nhiễm lao cần tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh bằng việc dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, không khạc nhổ bừa bãi, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu đúng về bệnh lao để chủ động phòng, chống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO