Phòng bệnh khi giao mùa cho người già, trẻ nhỏ

Ngô Đồng| 16/11/2020 08:54

Đắk Nông đang bước vào mùa khô, với những đợt gió lạnh kéo dài liên tục, là điều kiện thuận lợi để nảy sinh nhiều dịch bệnh, bệnh lý nguy hiểm.

ADQuảng cáo

Người cao tuổi chú ý huyết áp, tim mạch

Theo bác sĩ Chu Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời tiết hiện đang diễn biến thất thường, đồng nghĩa với việc xuất hiện các loại dịch bệnh, gia tăng các bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe con người, nhất là với người cao tuổi. Ở người cao tuổi, phổ biến hơn cả là các bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Theo thống kê của các nhà khoa học, có khoảng hơn 50% những cơn đau tim ở người già xảy ra vào mùa đông. Tỷ lệ người già tử vong do bệnh tim mạch cao nhất vào tháng 12 và tháng 1, là những tháng lạnh giá nhất của năm.

Thời tiết thay đổi, trẻ em đến khám bệnh tại các cơ sở y tế tăng mạnh

Khi thời tiết chuyển sang lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Ngoài ra, mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm. Nếu huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt, những người bị bệnh đái tháo đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.

Trong mùa Đông, người cao tuổi và những người thân trong gia đình cần nêu cao ý thức cảnh giác và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tim mạch, nhất là khi trời trở lạnh nhanh, đột ngột. Người bị bệnh tim mạch cần được đo và theo dõi huyết áp định kỳ, nên uống đầy đủ các loại thuốc về bệnh huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, mặc đủ ấm khi thời tiết lạnh, hạn chế ra ngoài vào những ngày gió lạnh.

Người cao tuổi cần quan sát thường xuyên nhịp thở vào đêm khuya, lúc sức đề kháng của cơ thể giảm để có biện pháp cứu chữa kịp thời; duy trì thói quen tập thể dục đều đặn hàng ngày; ăn uống đủ dưỡng chất; thăm khám sức khỏe định kỳ; ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần báo cho người thân và tiến hành nhập viện càng sớm càng tốt...

Giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ và tiêm phòng cho trẻ

ADQuảng cáo

Theo Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), từ đầu tháng 10 đến nay, có 2.610 lượt bệnh nhi đến khám; trong đó có 572 bệnh nhi nhập viện. Hiện tại, đang có 90 bệnh nhi điều trị nội trú, chủ yếu do viêm phổi, viêm đường hô hấp, bệnh cảm cúm, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết...

Viêm phổi, viêm amidan, viêm đường hô hấp là các bệnh trẻ nhỏ thường mắc do thời tiết thay đổi

Bác sĩ Vũ Thị Nhịn, Trưởng Khoa Nhi cho biết: "Vào thời gian này, với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, cơ thể người lớn có thể thích nghi, nhưng với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ sẽ dễ mắc bệnh. Cơ chế lây bệnh là trong không khí phát sinh, phát triển lượng lớn vi khuẩn, vi sinh vật, trẻ hít vào hay tiếp xúc đều dễ nhiễm bệnh".

Theo bác sĩ Nhịn, các bậc phụ huynh chú ý các biểu hiện của trẻ nhỏ để đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời khi có biểu hiện sốt, đau người, ho, chảy nước mũi… Với trẻ có sức đề kháng yếu, bệnh nặng hơn, sẽ biến chứng đến viêm mũi xoang, viêm tai giữa, đặc biệt là viêm đường hô hấp dưới. Lúc này, biểu hiện của trẻ sẽ ho nặng hơn, sốt li bì. Nếu trẻ không mọc răng mà sốt 1-2 ngày, dùng thuốc hạ sốt không đỡ thì cần đến bệnh viện. Trong trường hợp, trẻ ho nhiều hơn, nhịp thở tăng, bụng co thóp vào ra, có hiện tượng khó thở cũng nên đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Bên cạnh đó, để phòng, chống bệnh khi thời tiết giao mùa, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường uống thêm nước, không ăn những thực phẩm lạnh, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, mặc quần áo, đi tất tay chân, quàng khăn cổ vừa đủ ấm, tránh tình trạng mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến các cháu toát mồ hôi nhiều, thấm trở lại gây bệnh viêm phổi.

Quan trọng nhất, các bậc phụ huynh cần chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh bằng cách đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi, quai bị, viêm não... Khi phát hiện bệnh, không tự ý điều trị tại nhà, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng bệnh khi giao mùa cho người già, trẻ nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO